Mối quan hệ của người trẻ di cư từ nông thôn với các không gian công cộng ở đô thị và trên mạng tại Hà Nội và những phương thức kháng cự trong đời sống hàng ngày của họ khi bị những người khác gắn mác là phá vỡ quy chuẩn

hanoi

30 May 2018

Những người lao động di cư trẻ từ nông thôn sử dụng, gắn bó và cảm nhận về vị trí của họ trong các không gian công cộng tại đô thị và trên mạng của Hà Nội như thế nào? Họ sử dụng những phương cách kháng cự như thế nào để tiếp cận với không gian công cộng khi những người khác gắn mác cho họ là phá vỡ quy chuẩn?

Trong hơn hai mươi năm qua, Hà Nội đã và đang thu hút một dòng chảy liên tục những người nhập cư kể từ khi những hạn chế về việc di cư trong nước (hộ khẩu – hệ thống đăng kí hộ gia đình) được nới lỏng vào thập niên 1980 và 1990. Người ta ước tính rằng, có khoảng 100.000 người di cư trong nước đến Hà Nội mỗi năm và hơn nửa số đó di cư để tìm việc làm. Nhóm dân số này khá trẻ, đặc biệt là những người di cư gần đây, đa số họ nằm trong độ tuổi từ 15-25.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) xác định bốn nhóm/loại người di cư (không phải sinh viên) chính mà chúng tôi sẽ chú trọng vào trong trường hợp nghiên cứu này:

  • Công nhân
  • Lao động ‘tự do’ làm việc ở các doanh nghiệp dịch vụ nhỏ (nhà hàng và quán café, tiệm cắt tóc)
  • Người giúp việc gia đình (lao công, trông trẻ, bảo vệ)
  • Lao động độc lập (người bán hàng rong, thợ xây).

Người di cư trẻ từ nông thôn thuộc vào bốn nhóm này thường sống trong những điều kiện vật chất khó khăn, lương thấp và thiếu những bảo vệ về mặt xã hội (như bảo vệ trước sự xâm hại), tiếp cận hạn chế hoặc không tiếp cận được với những dịch vụ công cơ bản như chăm sóc y tế hoặc giáo dục (thường do những quy định của hệ thống hộ khẩu), và nhà ở tồn tàn.

Sự có mặt của những người di cư trẻ tuổi từ nông thôn ở thành phố thường xuyên bị những người dân thành thị, đặc biệt là những người đã sinh sống lâu năm, coi là một vấn đề. Những người di cư từ nông thôn thường bị những người dân thành thị cho là có những đặc tính không hay như thuộc tầng lớp thấp, có giọng điệu nông thôn ‘lạc hậu’, bề ngoài xấu xí, và cư xử thiếu lịch sự. Hơn nữa, người di cư thường bị xem là khiến thành phố mất vệ sinh, bị ô nhiễm, ồn ào, và lộn xộn, đồng thời những người khác than phiền là người di cư khiến thành phố bị quá tải dân số và tắc nghẽn, cũng như trở nên thiếu an toàn. Một số ít nghiên cứu tính đến nay đã chỉ ra rằng, nhiều người di cư từ nông thôn cảm thấy họ bị người dân thành phố khinh thường và thường tự coi mình là ‘người ngoài rìa’ ở thành phố. Sự kì thị này, kết hợp với những phân biệt đối xử có tính hệ thống, dẫn đến sự loại trừ về mặt xã hội, thiếu cảm giác gắn bó, và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm trí và thể chất nói chung. Trong bối cảnh đó, dự án này có mục tiêu và các câu hỏi nghiên cứu như sau:

Mục tiêu: tìm hiểu về các mối quan hệ của người di cư trẻ tuổi (16-25) từ nông thôn với các không gian công cộng ở đô thị và không gian trên mạng ở Hà Nội cũng như những chiến lược kháng cự trong cuộc sống hàng ngày mà họ sử dụng để tiếp cận với không gian công cộng khi bị người khác cho là người ngoài rìa.

Các câu hỏi nghiên cứu:

1. Mối quan hệ với và cách sử dụng không gian công cộng: Những người di cư trẻ tuổi từ nông thôn gắn bó với môi trường không gian-xã hội của Hà Nội như thế nào? Cụ thể là, họ tiếp cận với những không gian công cộng nào và tránh những không gian nào, tại sao? Họ sử dụng (hoặc không sử dụng) các không gian công cộng khác nhau của thành phố như thế nào?

2.Cảm nhận của người di cư trẻ tuổi từ nông thôn về những người dân thành thị khác: Người di cư trẻ tuổi từ nông thôn đến Hà Nội có cảm thấy họ bị kì thị hoặc phân biệt bởi những người dân thành thị khác không? Nếu có, việc này thể hiện thế nào và người di cư đối mặt với (hoặc phản ứng với) sự kì thị ấy ra sao? Thêm vào đó, những nhóm người di cư từ nông thôn khác nhau (công nhân, người bán rong, người giúp việc, vv) nghĩ về nhau như thế nào?

3.Cảm nhận của người dân thành thị về người di cư trẻ tuổi từ nông thôn: Người dân thành thị cảm nhận ra sao về người di cư trẻ tuổi từ nông thôn, đặc biệt là về sự hiện diện/các hoạt động của họ trong các không gian công cộng ở đô thị?

4. Tác động của cảm nhận từ những người khác lên cách sử dụng không gian công cộng của người nhập cư trẻ tuổi từ nông thôn: Nếu người nhập cư trẻ tuổi từ nông thôn cảm thấy mình bị những người dân thành thị khác (có thể là người sống lâu năm hoặc những người di cư khác) gắn mác và kì thị, điều này có ảnh hưởng lên cách thức sử dụng và hành xử của một số nhóm người di cư trẻ tuổi từ nông thôn nhất định ở các không gian công cộng của thành phố hay không? Cụ thể hơn, những hành vi này có bao gồm những hành động mà những người trẻ này và những người dân khác cho là phá vỡ chuẩn mực?

Những người di cư trẻ tuổi từ nông thôn thể hiện những hành động phá vỡ chuẩn mực như thế nào khi họ cố gắng tiếp cận các không gian công cộng?

Ví dụ về bán hàng rong

Năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấm bán hàng rong trên 62 tuyến phố và 48 không gian công cộng ở khu vực trung tâm. Lệnh cấm này ảnh hưởng lên những người bán hàng rong theo những cách khác nhau tùy theo xuất thân của họ và mức độ lưu động của họ. Những người bán rong lưu động, chủ yếu là người di cư từ các khu vực ngoại thành và làng xã nông thôn, là những người bị cơ quan chính quyền thực thi lệnh cấm ban hành năm 2008 bắt bớ nhiều nhất.

Bán hàng rong là một trong số ít sinh kế còn sót lại cho họ, những người này – phần lớn là phụ nữ, và thường trẻ tuổi – phải tìm cách để đối phó với công an. Ngược lại, những người dân sống ở Hà Nội, thường là người bán hàng tại một chỗ cố định, thường thương lượng với các cán bộ phường để đạt được thỏa thuận về các khoản hối lộ hoặc ‘thuế’ nộp định kỳ để duy trì quyền được buôn bán của mình.

Những người bán hàng lưu động, cả trẻ lẫn già, đối mặt với lệnh cấm năm 2008 bằng ‘cách’ riêng của họ, tùy theo họ coi hình thức pháp luật và mức độ kiểm soát như thế nào là công bằng và hợp lý. Lệnh cấm bán hàng rong được thực thi và áp dụng ở cấp phường, là cấp độ hành chính thấp nhất ở thành phố. Như vậy, một phần của các hành động phá vỡ chuẩn mực của những người bán hàng lưu động là việc hiểu và diễn giải các thực hành không gian và lỗ hổng trong giám sát của Công an. Một lỗ hổng như thế xảy ra ở ranh giới giữa các phường; những người bán hàng rong nhận ra rằng họ có thể nhanh chóng đi qua đường biên để chạy thoát công an phường, những người này không có quyền truy đuổi người bán rong bên ngoài địa phận của mình để bắt hàng hóa hay phạt họ.

Những người bán hàng lưu động cũng biết con phố nào và không gian công cộng nào bị công an kiểm soát gắt gao nhất: các đường lớn thường có công an tuần tra còn những con đường nhỏ hơn và các ngõ ngách ít có công an tuần hơn. Do đó, người bán hàng lưu động dựa vào những cách thức sử dụng không gian và mạng lưới xã hội để bảo vệ khả năng tiếp cận không gian công cộng ở đô thị họ đang có nhiều hết mức có thể. Người bán hàng cũng nhanh chóng học được cung đường của công an tại khu vực và dựa vào đó để điều chỉnh lịch trình của họ. Vào những ngày trong tuần, một khoảng thời gian quan trọng để thực hiện hoạt động buôn bán là vào buổi trưa, khi Công an nghỉ ăn trưa, cho phép những người bán hàng đi vào Khu phố cổ, là địa bàn thường bị tuần tra rất gắt gao.

Những phát hiện này đến từ các nghiên cứu mà những thành viên của nhóm TRYSPACES Hà Nội đã thực hiện. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết được những chiến thuật cụ thể (nếu có) của những người bán rong lưu động trẻ tuổi hơn. Họ có làm theo những thực hành của những người lớn tuổi hơn mình và học hỏi các cách thức của người bán hàng theo cách đó không? Hay là họ tự tạo ra những giải pháp đổi mới của riêng mình, và có thể gắn liền với cách họ sử dụng công nghệ mới (điện thoại thông minh) và khả năng di chuyển dễ dàng của họ? Đây chính là dự án mà nhóm chúng tôi sẽ triển khai…

VIETNAMESE VERSION: Click here for 2021 a4 printable version and the 8.5 x 11 printable version.